Tương lai, con người sẽ phải đối mặt với các dịch bệnh từ động vật lây sang người rất lớn, đặc biệt là những dịch bệnh do siêu vi trùng gây ra. Do đó, lĩnh vực thú y đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống.
Nghề thú y là một nghề hoạt động trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh, hướng dẫn kỹ thuật,…nhằm bảo vệ sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi theo đúng pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, cung cấp cho xã hội các sản phẩm an toàn…
Ngay nay, cùng với sự phát triển của loài người, các kỹ thuật chăn nuôi và bảo vệ vật nuôi cũng ngày càng đổi mới, giúp những người làm nghề thú y hoạt động có hiệu quả hơn trong chuẩn đoán và phòng trị các bệnh vật nuôi, đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Đây là một ngành rất đặc thù, rất thú vị và cũng gặp không ít những khó khăn. Do đó, để theo đuổi được nghề này, bạn phải thật sự có tình yêu thực sự với động vật, không ngại khó, ngại khổ. Bởi trong quá trình đào tạo, bạn sẽ được trang bị những kiến thức thường liên quan đến bệnh học; ngoại khoa, giải phẩu bệnh và pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh; kiểm tra các sản phẩm nguồn gốc từ động vật, các cơ sở giết mổ chế biến thức ăn gia súc, chế biến súc sản…
Cơ hội nghề nghiệp
Theo số liệu thống kê và phân tích về nhu cầu lao động, cho đến năm 2020 Việt Nam sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu nhân lực qua đào tạo trong nhóm ngành nông – lâm – ngư nghiệp, bao gồm ngành thú y. Mặt khác, hiện nay thực tế cho thấy số trường đạo tạo và lượng sinh viên ra trường hàng năm của nhóm ngành này không nhiều, chưa kể là chất lượng nhân lực cũng chưa thực sự tốt.
Với những số liệu và phân tích trên thì nhu cầu nhân lực của ngành thú y rất lớn nên cơ hội việc làm của sinh viên ngành thú y sau khi tốt nghiệp vô cùng rộng mở.
Mặt khác, ngành chăn nuôi chiếm 27% GDP của ngành nông nghiệp, đóng góp 6% GDP của cả nước. Tuy vậy, lực lượng nhân lực có trình độ trong ngành này hiện vẫn còn thiếu và yếu do có rất ít cơ sở đào tạo nghề chăn nuôi, thú y.
Công việc các bạn sinh viên có thể làm sau khi tốt nghiệp có thể làm tại cơ quan thú y của nhà nước như các trạm thú y, viện nghiên cứu… Nếu có điều kiện và đủ năng lực, kinh nghiệm các bạn có thể tự mở các phòng khám, bệnh viện thú y cho riêng mình, hoặc tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở các trường, Viện chuyên ngành thú y,…