Theo quy định hiện hành của Luật Thú y và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, muốn hành nghề thú y, điều kiện tối thiểu cần đáp ứng về trình độ chuyên môn là phải có bằng tốt nghiệp trung cấp thú y trở lên.
Sức hút của ngành Thú y
Thú y đang là một trong những ngành nghề “hot” nhất hiện nay. Ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm hơn tới lĩnh vực này, bởi những tiềm năng to lớn mà nó mang lại. Đa số các bạn học thú y đều nhanh chóng kiếm được việc làm sau khi ra trường, hơn nữa còn là công việc đúng với chuyên môn và có mức thu nhập lý tưởng so với nhiều ngành nghề khác. Đặc biệt, với những người yêu động vật thì không có công việc nào lý tưởng hơn được hành nghề thú y.
Tối thiểu phải có bằng trung cấp thú y mới được hành nghề thú y
Theo quy định hiện hành, những người hành nghề thú y (bao gồm chẩn đoán, điều trị, phẫu thuật hay chăm sóc, tư vấn chăm sóc, tư vấn các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y) cần có bằng trung cấp thú y trở lên. Bên cạnh đó, những người hành nghề tiêm cho động vật còn cần chứng chỉ kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh cấp.
Riêng những người phụ trách kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh, xét nghiệm bệnh động vật, phẫu thuật động vật cần có trình độ đại học ngành thú y, nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản (với nghề thú y thủy sản) hoặc chăn nuôi thú y trở lên.
Những người buôn bán thuốc thú y cũng cần có trình độ trung cấp chuyên nghiệp chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y hoặc bệnh học thủy sản, nuôi trồng thuỷ sản trở lên.
Những người chịu trách nhiệm về kỹ thuật của cơ sở xuất nhập khẩu, khảo nghiệm thuốc thú y với động vật trên cạn cần có trình độ đại học trở lên chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y, dược sỹ, cử nhân sinh học, hóa học, hóa dược; với động vật thủy sản cần có trình độ đại học trở lên chuyên ngành bệnh học thủy sản, nuôi trồng thuỷ sản, dược sỹ, cử nhân sinh học, hóa học, hóa dược.
Những người chịu trách nhiệm về kỹ thuật của cơ sở sản xuất, kiểm nghiệm thuốc thú y dùng cho động vật trên cạn cần có trình độ đại học trở lên chuyên ngành thú y, dược sĩ, hóa dược; dùng cho động vật thủy sản thì cần trình độ đại học trở lên chuyên ngành bệnh học thủy sản, nuôi trồng thủy sản, hóa dược, dược sĩ.
Những người chịu trách nhiệm về kỹ thuật tại các cơ sở sản xuất, kiểm nghiệm thuốc là vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng cho động vật trên cạn cần có trình độ đại học trở lên chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y, cử nhân sinh học, hóa học, hóa dược, dược sĩ; dùng cho động vật thủy sản cần có trình độ đại học trở lên chuyên ngành bệnh học thủy sản, nuôi trồng thủy sản, dược sỹ, cử nhân hóa học, sinh học, hóa dược.